Diễn biến mới nhất về đề án sáp nhập Tp.HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu


Mới đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm đã thông tin về việc sắp xếp bộ máy trên địa bàn.
Theo đó, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, Tp.HCM đang hoàn tất đề án sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 1/5. Theo lộ trình, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/9 và TP.HCM mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/9.
Theo bà Thắm, thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, cấp xã là mô hình gần dân, sát dân nên phải có thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ để xử lý công việc của dân, chứ không cần gửi lên cấp thành phố. Theo chỉ đạo, bộ máy hành chính cấp xã có bốn phòng ban tương đương, gồm ba phòng chức năng và một trung tâm hành chính công.
Trong đó, Phòng Kinh tế gồm chức năng nhiệm vụ về thương mại, kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đô thị…;
Phòng Văn hóa – xã hội sẽ gồm các chức năng lĩnh vực văn hóa, xã hội và Văn phòng điều phối chung.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (y tế, giáo dục) sẽ tính toán chuyển về cấp xã quản lý và hướng tới đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chứ không do Nhà nước đảm bảo kinh phí.
Đối với các Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Trung tâm Văn hóa – Thể dục Thể thao của 22 quận, huyện, Tp.Thủ Đức hiện đang được nghiên cứu trên tinh thần tinh gọn.
Ảnh: Tiểu Bảo
Trước đó, Tp.HCM có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri về sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Theo đó, khoảng 90% cử tri Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM đồng ý sáp nhập tỉnh.
Tuy nhiên, các cử tri lo lắng Tp.HCM mới rộng, khó khăn trong việc làm thủ tục hành chính. Một số cử tri Bình Dương băn khoăn khi Tp.HCM mới quá rộng, việc trao đổi trực tiếp của người dân với các cấp chính quyền sẽ không được thuận tiện. Trụ sở trung tâm hành chính xa, đi lại bất tiện, người dân liên hệ làm thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn. Cử tri còn lo ngại mỗi địa phương có một phong tục, tập quán, lối sinh hoạt khác nhau theo vùng miền nên việc sáp nhập lại sẽ gây không đoàn kết.
Nhiều cử tri là người sinh sống từ lâu ở Bình Dương mong muốn giữ lại tên tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, còn lo lắng thay đổi tên tỉnh, tên xã thì thông tin giấy tờ liên quan phải thay đổi theo. Một số cử tri còn có ý kiến hợp nhất Bình Phước và Bình Dương với nhau hay sáp nhập thêm huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Đồng Nai về TP.HCM mới.
Tương tự cử tri Bình Dương, cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu cũng lo lắng sau sắp xếp, người dân mất thời gian đi lại để làm thủ tục. Một số cử tri không đồng ý nơi đặt trụ sở mới, giữ lại trụ sở các đơn vị cũ và đề nghị giữ lại tên Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cử tri Tp.HCM nêu khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ sau sắp xếp. Cử tri đề nghị cần có giải pháp tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường vì quy mô diện tích và dân số tăng. Cử tri cũng đề nghị xem xét sử dụng trụ sở UBND đảm bảo thuận tiện, phù hợp cho người dân khi liên hệ. Rà soát chung cư, bố trí chỗ ở cho cán bộ Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đến TP.HCM làm việc.
Trong khi đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đánh giá cao và thống nhất thực hiện việc sắp xếp tỉnh. Việc sáp nhập ba tỉnh thành sẽ tạo thành một siêu đô thị đặc biệt, đặt ra thách thức rất lớn về quy mô dân số, địa bàn quản lý rộng và đa dạng. Do đó, cần có cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh mẽ. Đồng thời, cần rõ ràng về mô hình chính quyền đô thị, quy hoạch lại vùng hành chính hợp lý nhằm tránh xung đột chức năng giữa các trung tâm cũ.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM nhanh chóng trang bị công nghệ, tập huấn cán bộ, công chức, nguồn nhân lực đảm bảo sử dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cần quy định rõ phương án sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập theo hướng công khai, minh bạch, có lộ trình và chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Nên có chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm tự nguyện, đào tạo lại hoặc chuyển công tác phù hợp.
Danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị-hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (kèm theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12-4-2025)
Các đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập
1. Thành phố Hà Nội
2. Thành phố Huế
3. Tỉnh Lai Châu
4. Tỉnh Điên Biên
5. Tỉnh Sơn La
6. Tỉnh Lạng Sơn
7. Tỉnh Quảng Ninh
8. Tỉnh Thanh Hoá
9. Tỉnh Nghệ An
10. Tỉnh Hà Tĩnh
11. Tỉnh Cao Bằng
Dự kiến đơn vị hành chính cấp tỉnh sáp nhập, hợp nhất
1. Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
2. Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.
3. Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
4. Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.
5. Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
6. Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
7. Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
8. Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
9. Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
10. Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
11. Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
12. Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
13. Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà, lấy tên là tình Khánh Hoà, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà hiện nay.
14. Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
15. Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
16. Hợp nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
17. Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.
18. Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Long An.
19. Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
20. Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
21. Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.
22. Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
23. Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện nay.