Liên tục rung lắc, VN-Index liệu đã rơi vào trạng thái sideway down?

Liên tục rung lắc, VN-Index liệu đã rơi vào trạng thái sideway down?

Theo chuyên gia, thị trường vẫn đang được nâng đỡ bởi các yếu tố thuận lợi như môi trường lãi suất giảm thấp, các chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục được triển khai,…

Sau những nỗ lực vượt đỉnh ngắn hạn bất thành, VN-Index liên tục rung lắc trong biên độ rộng. Xu hướng giảm áp đảo, chỉ số có thời điểm “nhúng” về vùng 1.200 điểm. Dù lực cầu bắt đáy xuất hiện khi về vùng hỗ trợ tâm lý, song những nhịp giằng co kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về xu hướng thị trường.

Liên tục rung lắc, VN-Index liệu đã rơi vào trạng thái sideway down? - Ảnh 1.

Nhiều lực cản nhưng khó có cú giảm sâu

Theo ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu  Chứng khoán Agriseco, những nhịp rung lắc xuất hiện cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước những thách thức thị trường có thể đối diện trong các tháng cuối năm. Trong đó, khó khăn có thể đến từ các yếu tố trên thị trường quốc tế, tỷ giá áp lực tăng và mặt bằng định giá một số nhóm ngành đã không còn rẻ.

Tình hình vĩ mô quốc tế đang diễn biến khá phức tạp, FED duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu bị đe dọa, áp lực suy thoái tại nhiều quốc gia. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung và TTCK nói riêng.

Thị trường trong nước cũng có những áp lực nhất định từ tỷ giá khi gần đây cặp tỷ giá USD/VND đang tăng tương đối mạnh. Một trong những nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND – USD đang nới rộng khi chính sách tiền tệ ở Việt Nam và Mỹ là trái chiều nhau, tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD.

Mặc dù vậy, chuyên gia nhìn nhận áp lực tỷ giá có thể chỉ mang tính cục bộ trong ngắn hạn và không nghiêm trọng như giai đoạn cuối năm 2022. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ đầu năm tiếp tục tăng và hiện đạt khoảng gần 100 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu, là mức an toàn theo tiêu chuẩn của IMF (12-14 tuần). Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang có thặng dư thương mại tốt (xuất siêu hơn 20 tỷ USD 8 tháng đầu năm), FDI và kiều hối ổn định có thể giúp đảm bảo nguồn cung USD.

Mặt khác, định giá thị trường không còn rẻ sau khi phục hồi khá mạnh từ đầu năm ảnh hưởng đến quá trình đi lên của chỉ số. VN-Index đang được giao dịch ở mức P/E 14,5 lần (tương đương mức trung bình trong giai đoạn 2015-2023) và P/B 1,8 lần (thấp hơn so với trung bình giai đoạn 2015-2023).

Tuy nhiên cần lưu ý, hiện nay nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong vốn hóa thị trường (~30%) và qua đó kéo mức định giá P/B của toàn thị trường thấp hơn. Với quan điểm mặt bằng định giá của thị trường chung và một số nhóm ngành không còn rẻ, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ khó tăng điểm một cách mạnh mẽ như giai đoạn trước.

Dù nhìn nhận có nhiều lực cản, song vị chuyên gia vẫn bỏ ngỏ khả năng VN-Index rơi vào trạng thái sideway down (giá giảm từ từ) hay có thể xuất hiện một cú giảm mạnh.  Bởi trong 2 phiên gần nhất, thị trường đều tạo nến rút chân cho thấy có lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ MA50.

Với các yếu tố thuận lợi như môi trường lãi suất giảm thấp, các chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục được triển khai, xu hướng tăng của thị trường nhìn chung vẫn đang được duy trì.

“Tôi nghiêng về khả năng VN-Index có thể tiếp tục sideway tại vùng 1.200-1.220 điểm với các phiên tăng giảm xen kẽ trước khi tìm được điểm cân bằng và hình thành xu hướng mới”, ông Nguyễn Anh Khoa đánh giá.

Thị trường thận trọng chờ KQKD quý 3

Thời điểm hiện tại, thị trường sẽ tiếp tục thận trọng chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 sắp được công bố. Nhà đầu tư có thể tập trung vào một số chủ đề đầu tư trong các tháng cuối năm như (1) Sự khởi sắc trở lại của nhóm ngành xuất khẩu; (2) Động lực từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công; (3) Câu chuyện về giá cả hàng hóa và (4) Một số nhóm vốn hóa lớn có câu chuyện để hút dòng tiền.

Thứ nhất, nhóm ngành xuất khẩu kỳ vọng có sự phục hồi trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu tại các thị trường có thể gia tăng trong mùa cao điểm lễ hội. Một số tín hiệu cho thấy sự phục hồi là Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và Trung Quốc đang cải thiện, doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ cũng liên tục phục hồi kể từ đầu năm trở lại đây, lạm phát hạ nhiệt và FED có thể sớm dừng quá trình nâng lãi suất.

Liên tục rung lắc, VN-Index liệu đã rơi vào trạng thái sideway down? - Ảnh 2.

Thứ hai, các nhóm ngành được hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công có thể kể đến như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng bao gồm sắt thép, nhựa đường, đá xây dựng. Dự kiến các tháng cuối năm, đầu tư công sẽ là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân.

Thứ ba, một số nhóm ngành được hưởng lợi từ diễn biến giá cả hàng hóa như nhóm chăn nuôi, lương thực-gạo, mía.

Và cuối cùng, nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm vốn hóa lớn và có câu chuyện để hút dòng tiền như nhóm ngân hàng, chứng khoán, BĐS.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp, Chính phủ liên tục ban hàng các chính sách nhằm khơi thông tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng như hỗ trợ nền kinh tế, các nhóm kể trên có thể là điểm đến thu hút dòng tiền.

Bài viết liên quan

18/04/2025 Cập nhật số liệu CTCK ngày 18/4: Loạt tên tuổi lớn tấp nập công bố BCTC quý 1, hé lộ hai khoản lãi nghìn tỷ đầu tiên

Đã có thêm công ty chứng khoán ghi danh trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ trong quý 1/2025. Số liệu thống kê tới sáng ngày 18/4, đã có 22 công ty chứng khoán công bố BCTC quý 1/2025. CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI) là công ty tiếp theo ghi danh trong câu lạc bộ […]

Xem thêm
17/04/2025 Tỷ phú Trần Đình Long: HRC làm đến đâu bán hết đến đó, sản xuất thép ray để thể hiện sức mạnh, uy lực của Hòa Phát

Tỷ phú Trần Đình Long: HRC làm đến đâu bán hết đến đó, sản xuất thép ray để thể hiện sức mạnh, uy lực của Hòa Phát Ông Trần Đình Long nhấn mạnh VinFast chỉ là một trong những đối tác của Hòa Phát, còn có Thành Công, Tập đoàn Đường Sắt,… sắp tới sẽ […]

Xem thêm
17/04/2025 10 câu hỏi cho ông Trần Đình Long trước thềm ĐHCĐ Hòa Phát: Chống bán phá giá, các siêu dự án, chuyển giao thế hệ…

ĐHCĐ thường niên 2025 của Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với “ma trận” chống bán phá giá. Ngày 17/4, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025, thảo luận […]

Xem thêm
17/04/2025 Cập nhật số liệu CTCK ngày 17/4: Lộ diện nhiều công ty chứng khoán báo lãi quý 1 “đi lùi”, thậm chí thua lỗ triền miên

Xuất hiện CTCK báo lỗ quý thứ 11 liên tiếp. Tính đến sáng 16/4, đã có 12 CTCK công bố BCTC quý 1/2025. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1/2025, Chứng khoán DSC (mã: DSC) ghi nhận doanh thu hoạt động giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ xuống còn 131 tỷ đồng. Khấu trừ […]

Xem thêm
16/04/2025 Số lượng cổ đông tham dự Đại hội FPT cao kỷ lục

ĐHCĐ thường niên 2025 của FPT thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư sau giai đoạn cổ phiếu biến động mạnh. Ngày 15/4, Tập đoàn FPT tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Đại hội năm nay ghi nhận số lượng cổ […]

Xem thêm
16/04/2025 Lãnh đạo FPT: Chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu, chỉ tập trung tăng trưởng lợi nhuận

Ban lãnh đạo FPT cho rằng, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong 5 năm tới là thách thức nhưng sẽ quyết tâm để hoàn thành. Ngày 15/4, Tập đoàn FPT đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, một cổ đông […]

Xem thêm