Tỷ phú Thái Lan quyết tâm theo đuổi Vinamilk sau thương vụ chi 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco
Kể từ khi bắt đầu gián tiếp nắm cổ phần tại Vinamilk năm 2013 đến nay, tỷ phú Thái Lan đã bỏ túi gần 15.000 tỷ đồng cổ tức.
F&N Diary Investments Pte.Ltd – tổ chức có bóng dáng của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) vừa đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM) nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 17/1 đến 14/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Số tiền dự chi ước tính có thể lên đến 1.300 tỷ đồng.
F&N Diary Investments tiếp tục muốn gom VNM sau khi không mua được cổ phiếu nào trong đợt đăng ký mua cuối năm ngoái vì điều kiện thị trường không phù hợp. Thực tế, điệp khúc đăng ký mua – không mua – tiếp tục đăng ký mua của tổ chức ngoại này với cổ phiếu VNM đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong những năm qua.
Dù chưa thể gom thành công nhưng động thái trên phần nào cho thấy quyết tâm theo đuổi việc nâng sở hữu tại Vinamilk của tỷ phú Thái Lan. Bóng dáng của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi bắt đầu xuất hiện tại Vinamilk sau khi TCC Holding mua lại Fraser & Neave (pháp nhân Singapore) năm 2013 với giá 11,2 tỷ USD. Thời điểm đó, F&N Dairy Investment – công ty con của Fraser & Neave là đã là cổ đông lớn của Vinamilk.
Các thành viên thuộc Fraser & Neave đã đầu tư vào Vinamilk từ rất lâu nhưng chỉ thực sự được chú ý từ năm 2017 sau thương vụ thoái vốn của SCIC. Sau nhiều lần tăng sở hữu, nhóm cổ đông này hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại Vinamilk, chỉ sau cổ đông Nhà nước (36%). Ước tính, lượng cổ phần Vinamilk trong tay người Thái hiện vào khoảng 1 tỷ USD.
Có thể thấy, Vinamilk là mục tiêu lớn nhất mà tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi nhắm đến tại Việt Nam sau thương vụ thâu tóm Sabeco “đình đám” một thời. Cuối năm 2017, Vietnam Beverage (thuộc Thaibev của tỷ phú Thái Lan) đã chi đến gần 5 tỷ USD để mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB qua đó chính thức nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.
Dù đang tạm lỗ khoảng 3,5 tỷ USD cho khoản đầu tư này nhưng tỷ phú Thái Lan vẫn luôn thể hiện tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc khoản lỗ không phải là vấn đề quá lớn đối với Thaibev. Bù lại, mỗi năm Sabeco đều trả cổ tức “tiền tươi” hàng nghìn tỷ đồng và phần lớn đều chảy về túi “đại gia” Thái Lan. Sau hơn 8 năm thâu tóm, Thaibev thu về hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco.
Tương tự với trường hợp của Vinamilk, dù không chi phối nhưng nhóm F&N vẫn ăn đậm cổ tức từ Vinamilk do doanh nghiệp đầu ngành sữa vẫn đều đặn chi trả cổ tức cao khoảng 40-60% hàng năm. Kể từ khi bắt đầu gián tiếp nắm cổ phần tại Vinamilk năm 2013 đến nay, tỷ phú Thái Lan đã bỏ túi gần 15.000 tỷ đồng cổ tức.
Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất đầu ngành của Việt Nam có khả năng tạo ra doanh thu và lợi nhuận khá ổn định mỗi năm dù có giai đoạn gặp khó về tăng trưởng. Bên cạnh đó, truyền thống chi trả cổ tức cao, đều đặn hàng năm là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các tỷ phú Thái Lan cũng không ngoại lệ.